Van điện từ là thiết bị được lắp đặt vào hệ thống đường ống với nhiệm vụ đóng, mở cho phép dòng chảy lưu chất đi qua van. Về cơ chế hoạt động đây là thiết bị hoạt động điện cơ, được vận hành và điều chỉnh bởi dòng điện thông qua tác dụng lực của điện từ. Cụ thể chi tiết về cấu tạo, chức năng của van điện từ chúng tôi sẽ tổng hợp qua bài viết dưới đây.
Van điện từ là loại van gì?
Van điện từ tiếng Anh là Solenoid valve là thiết bị cơ khí sử dụng năng lượng điện để tạo ra một từ trường điều khiển quá trình đóng, mở dòng chảy lưu chất lưu thông trong hệ thống đường ống. Chất liệu thiết kế đồng, gang, inox, nhựa; kiểu dáng thường đóng hoặc thường mở; nguồn điện áp sử dụng 24V hoặc 220V.
Ưu điểm của van điện từ là thời gian đóng mở nhanh, thiết kế đơn giản, nhỏ gọn, tiện lợi cho quá trình lắp đặt, vận chuyển cũng như bảo dưỡng, bảo trì. Xét về giá thành rẻ hơn so với các loại van khác. Do đó được ứng dụng phổ biến, rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ thống khác nhau; nước, hơi nóng, khí nén…
Cấu tạo các loại van điện từ
Về cấu tạo, van điện từ được thiết kế gồm 7 bộ phận chính: thân van, nắp van, cuộn coil, đĩa van, trục van, lò xo, gioăng làm kín. Chi tiết từng bộ phận cụ thể như sau:
Thân van
Chất liệu chế tạo gang, đồng, inox, nhựa… mỗi loại vật liệu đều có độ bền, khả năng chịu nhiệt, chịu áp lực tốt, đảm bảo phù hợp với nhiều môi trường khác nhau: nước, hơi nóng, khí nén, hóa chất… Thân van được kết nối với đường ống bằng kiểu dáng lắp ren với loại van có kích cỡ nhỏ và lắp bích với van có kích cỡ lớn. Cả 2 kiểu lắp đặt đều có độ chắc chắn, ổn định, chống rò rỉ hệ thống.
Nắp van
Chất liệu cấu tạo giống thân van, đây là bộ phận được thiết kế trên cùng với chức năng bảo vệ các bộ phận bên trong. Tránh tình trạng va đập hoặc rác thải, bụi bẩn rơi vào các bộ phận bên trong van điện từ.
Cuộn coil
Hay còn gọi là cuộn dây điện từ được cấu tạo từ các vòng dây đồng hoặc nhôm đồng tâm, bên ngoài được tráng một lớp cách điện. Mục đích giúp tăng độ bền, tuổi thọ, đảm bảo an toàn cho hệ thống, chống chảy nổ. Bộ phận này có chức năng tiếp nhận nguồn điện áp và sinh ra từ trường để chuyển đổi điện năng thành động năng nhằm tác động lên trục van và đĩa van.
Đĩa van
Hay còn gọi là màng van được chế tạo bằng chất liệu cao su có có khả năng đàn hồi, chịu ma sát, chống ăn mòn tốt và chịu được áp lực lớn. Bởi đĩa van là bộ phận trực tiếp tiếp xúc với dòng chảy lưu chất và có chức năng đóng mở dòng chảy lưu chất. Ngoài ra, bộ phận này hoàn toàn có thể mua rời và thay thế dẽ dàng.
Lò xo
Chất liệu inox hoặc thép không gỉ có độ đàn hồi tốt vì đây là bộ phận quan trọng của van điện từ giúp van hoạt động chính xác. Cụ thể, một đầu của lò xo sẽ được nối với trục van khi van ở trạng thái đóng, lò xo sẽ nén trục van xuống, khi được cấp điện với nang trục van lên để mở van.
Trục van
Là một thanh kim loại được chế tạo bằng thép không gỉ có độ cứng cao, chống va đập tốt, hoạt động tốt trong điều kiện nhiệt độ, áp suất cao. Trục van được gắn cố định với đĩa van và có thể di chuyển lên xuống trong lòng cuộn coil nhờ lực đàn hồi của lò xo và lực hút của từ trường.
Gioăng làm kín
Chất liệu cao su EPDM, PTFE có độ bền cao, chống ăn mòn tốt, là bộ phận có chức năng làm kín được thiết kế ở giữa vị trí kết nối của van và đường ống. Mục đích làm kín tránh tình trạng rò rỉ lưu chất ra bên ngoài môi trường.
Cơ chế hoạt động của van điện từ
Về cơ chế hoạt động của van điện từ chúng tôi xin tóm tắt cho quý khách dễ hiểu nhất: Có 1 cuộn coil điện, trong đó có 1 lõi sắt và 1 lò xo được nén vào lõi sắt, trong khi đó, lõi sắt lại tỳ lên đầu 1 giăng bằng cao su. Bình thường nếu không có điện thì lò xo sẽ ép vào lõi sắt, van sẽ ở trạng thái đóng. Khi chúng ta tiếp điện, tức là cho dòng điện chạy qua, cuộn dây sinh từ trường sẽ tác động làm hút lõi sắt ra, từ trường này có lực đủ mạnh để thắng được lò so, lúc này van mở ra. Cụ thể chi tiết mời quý khách tham khảo video dưới đây:
Chức năng của van điện từ
Về chức năng của van điện từ như đã giới thiệu từ đầu van điện từ có nhiệm vụ chính là kiểm soát dòng chảy lưu chất bên trong hệ thống đường ống dựa vào nguyên lí chặn đóng mở do lực tác động của cuộn dây điện từ. Với loại van thường đóng ở trạng thái bình thường van luôn đóng, khi được cấp điện sẽ chuyển sang trạng thái mở, cho phép lưu chất đi qua. Còn với loại van thường mở thì ngược lại van sẽ luôn mở khi được cấp điện mới đóng van.
Một ví dụ điển hình nhất của van điện từ chúng ta thường gặp đó là trong máy lọc nước. Chức năng chính của loại van này là kiểm soát nguồn nước, không cho nước tự do đi vào các lõi lọc, ngăn không cho nước thải chảy ngược trở lại. Ngoài ra, nhờ van điện từ, máy sẽ tự động tắt máy khi không có điện hoặc nguồn cấp nước đầu vào yếu.
Kết luận
Bài viết trên đây chúng tôi đã tổng hợp những thông tin chi tiết về cấu tạo và chức năng của van điện từ – loại van được sử dụng phổ biến và thông dụng trên thị trường hiện nay. Hy vọng sẽ giúp quý khách nắm được những kiến thức cơ bản về loại van này để lựa chọn phù hợp có hệ thống của mình.
*THƯ VIỆN: Van điện từ